Liên hoan diễn ra nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có loại hình Đờn ca tài tử Nam bộ; góp phần vào việc tôn vinh, giữ gìn và phát triển những tinh hoa của âm nhạc dân tộc độc đáo, có sức sống mãnh liệt tồn tại trong lòng xã hội Việt Nam. Khẳng định giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trong nhân dân để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Bên cạnh đó là cuộc hội ngộ, giao lưu giữa các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca của tỉnh, qua đó tạo cơ hội cho các câu lạc bộ, các ban Đờn ca tài tử trong tỉnh giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, liên hoan còn là dịp để ban tổ chức phát hiện và bồi dưỡng những hạt nhân làm nòng cốt cho phong trào văn hoá, văn nghệ tại cơ sở.
Chương trình dự thi của đoàn Chơn Thành
Liên hoan lần này, có 128 tài tử đờn, ca đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố, chi hội Đờn ca tài tử Hội văn học nghệ thuật tỉnh, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm văn hoá tỉnh và các tài tử đờn, ca tham gia nội dung cá nhân. Các đơn vị tham gia đã mang đến Liên hoan 15 Chương trình với 93 tiết mục dự thi đa dạng và phong phú ở các thể điệu, hơi thở mới.
Tại Liên hoan, tham gia dự thi ở giải cá nhân, với tiết mục “Dòng sông quê nội”, anh Điểu Đô Den (25 tuổi), ở Hớn Quản đã dành được giải III. Anh Đô Den phấn khởi cho biết: “Là người dân tộc S’tiêng nhưng tôi rất yêu thích đờn ca tài tử. Tham gia Liên hoan lần này, tôi muốn được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị bạn. Đồng thời, muốn mang lời ca của mình lan tỏa đến với những người mộ điệu. Tôi rất vui mừng vì tôi đã may mắn nhận được giải từ BGK. Đây là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn đối với đờn ca tài tử”.
Trong niềm phấn khởi khi tham gia Liên hoan, Đoàn ĐCTT huyện Bù Đốp tham gia với chủ đề “Ngày mới trên quê hương”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc TTVH huyện Bù Đốp chia sẻ: “Tham gia Liên hoan lần này, Bù Đốp đã có sự đầu tư về chất lượng nghệ thuật hơn rất nhiều so với những liên hoan lần trước. Có thể nói, đờn ca tài tử chính là “hồn cốt” trong di sản văn hóa Nam Bộ. Nó không chỉ là loại hình nghệ thuật thể hiện đậm nét văn hóa, cũng như tính cách giản dị, gần gũi, phóng khoáng và giàu tình cảm của người dân đất phương Nam, mà còn cho thấy đây là một loại hình nghệ thuật có khả năng lôi cuốn và gắn kết cộng đồng rất cao, nhờ đó mà nó luôn có một sức sống mãnh liệt, trường tồn với đời sống văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy, để lan tỏa hơn đến với những người yêu bộ môn đờn ca tài tử này, Bù Đốp đã tạo mọi điều kiện về tài chính, thời gian để các tài tử đờn, tài tử ca tập luyện để góp phần vào gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật này”.
Là thí sinh nhỏ tuổi của đoàn ĐCTT huyện Bù Gia Mập em Ngọc Hân (8 tuổi) nói: “Em rất thích đờn ca tài tử vì từ nhỏ đã được nghe ba mẹ, cậu dì ca trong mỗi dịp sinh hoạt trong gia đình, hay những lần đi đám tiệc. Em biết cách lấy hơi, giữ nhịp, từ những bậc tiền bối đi trước để lúc ca em cũng thấy tự tin hơn. Về tham dự Liên hoan lần này, em mong muốn mang lời ca của mình đến với tất cả những người mộ điệu. Bên cạnh đó, lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử đến với khán giả, nhất là với các bạn có cùng lứa tuổi giống như em ".
BTC trao giải cho các Đơn vị về tham dự Liên hoan (Đoàn Bù Đốp nhất toàn đoàn, vị trí số 8 tính từ trái qua)
Phát biểu tại Liên hoan, ông Nguyễn Khắc Vĩnh – PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bình Phước là một trong 21 tỉnh, thành có nghệ thuật đờn ca tài tử được duy trì và phát triển, ngày càng thẩm thấu trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 câu lạc bộ đờn ca tài tử với 420 thành viên sinh hoạt. Liên hoan lần này, tiếp tục giới thiệu và quảng bá hai loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng độc đáo của dân tộc, đã từ lâu đi vào cuộc sống lao động, tâm tư, tình cảm người dân Nam Bộ nói chung và của Bình Phước nói riêng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn giới mộ điệu. Đồng thời, tạo điều kiện để các nghệ nhân, diễn viên của các đơn vị được giao lưu, trao đổi chuyên môn. Liên hoan lần này nhằm khuyến khích phong trào Đờn ca tài tử và đàn, hát Dân ca Nam bộ, trong toàn tỉnh, thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương phát triển. Thông qua Liên hoan, phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân tiêu biểu, tạo nguồn cho các hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp của toàn tỉnh.
Sau ba ngày diễn ra Liên hoan, theo đánh giá của Ban tổ chức và Ban giám khảo, chất lượng các phần dự thi của liên hoan năm nay được nâng lên đáng kể, không chỉ ở nội dung mà còn bởi nghệ thuật dàn dựng. Các tác phẩm mang đến liên hoan đều được đầu tư công phu, xây dựng theo chủ đề xuyên suốt của liên hoan. Liên hoan cũng đã hội tụ được những ngón đờn điêu luyện, những tiết mục biểu diễn gắn liền với đời sống văn hóa đương đại. Đặc biệt, các chương trình dự thi đã chọn những bài ca mang tính nghệ thuật, đậm đà tính nhân văn, vừa có tính thời sự. Điều này thể hiện trách nhiệm cao của các đoàn dự thi cũng như sự đam mê loại hình nghệ thuật đơn ca của các tài tử đờn, tài tử ca.
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 7 giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; 13 giải thể loại đơn ca; 4 giải thể loại song - tam ca; 11giải ca ra bộ, 9 giiar vọng cổ, 11 giải nhạc cụ; 1 giải cho thí sinh lớn tuổi; 1 giải cho thí sinh nhỏ tuổi; 3 sáng tác mới; 3 giải chương trình. Đoàn Đờn ca tài tử huyện Bù Đốp xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn, 3 giải nhì toàn đoàn thuộc về đơn vị thị xã Phước Long, Hớn Quản, Lộc Ninh. Giải ba toàn đoàn thuộc về huyện Bù Gia Mập, huyện Chơn Thành, Đồng Xoài, Bình Long.