Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu cấp huyện 5 nhóm việc, trong đó có việc phải rà soát tất cả các trường hợp liên quan như tài xế, phụ xe, bán hàng… để lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế kịp thời. Tuy nhiên, từ thực tế ghi nhận các ca bệnh những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều địa phương còn chủ quan hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Hiệu quả từ Công văn 2191
Đêm 8-7, sau khi nhận được thông báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh về ca dương tính với SAR-CoV-2 tại ấp Mỹ Hưng, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, các ngành chức năng của huyện, xã ngay lập tức vào cuộc tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp F1, F2. Ca nhiễm được xác định có yếu tố dịch tễ từ chợ đầu mối Bình Điền. Tuy nhiên, trước đó, trường hợp này đã được địa phương ra quyết định cách ly tại nhà từ mấy ngày trước, đồng thời do đặc thù công việc đi sớm về trễ, thường xuyên vắng nhà nên không có trường hợp thuộc diện F1 ở khu dân cư.
Nhờ rà soát lấy mẫu cách ly kịp thời các trường hợp liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) đã giúp Thành Tâm dễ dàng hơn khi truy vết
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ấp Mỹ Hưng (xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của các cấp về rà soát các trường hợp thường xuyên đi về từ các chợ đầu mối của TP. Hồ Chí Minh ở khu dân cư, chúng tôi đã triển khai và kịp thời báo cáo với UBND xã yêu cầu trường hợp này cách ly tại nhà ngay. Do đó, xã đã không gặp nhiều khó khăn, phức tạp khi điều tra truy vết đối với ca dương tính này”.
Điều này cho thấy, việc chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát tất cả trường hợp liên quan đến các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh đã giúp xã Thành Tâm thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
“Chúng tôi thấy rằng chủ trương của tỉnh là rất đúng đắn. Nhờ đó đã giúp địa phương thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả hơn” - ông Phan Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Chơn Thành Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: “Chơn Thành có 102 tiểu thương có liên quan đến các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh đã được vận động khai báo y tế và cách ly tại nhà. Một số trường hợp phát hiện dương tính với Covid-19 trong những ngày qua đều đã nằm trong tầm kiểm soát của huyện”.
Nhiều địa phương còn chủ quan
Không phải địa phương nào cũng thực hiện nghiêm Công văn số 2191 của UBND tỉnh. Những ngày qua, Bình Phước liên tục ghi nhận các ca dương tính và tất cả đều liên quan đến các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh mà không được rà soát, thực hiện cách ly trước đó. Điều này đã gây khó khăn, vất vả cho các lực lượng chức năng cũng như sự an toàn của người dân.
Kiểm soát tốt nguy cơ, phong tỏa kịp thời các khu vực liên quan góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch
Tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thị, thành phố về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều nay (10-7), Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh: “Nhiều địa phương chấp hành chưa nghiêm túc Công văn 2191 của UBND tỉnh, thể hiện sự chủ quan, chưa trách nhiệm. Trong 23 ca mắc Covid-19 của tỉnh, có 16 ca là yếu tố Bình Điền, Thủ Đức, chiếm 70%. Nếu các địa phương còn chủ quan thì tình hình dịch còn diễn biến phức tạp”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh yêu cầu: Tất cả các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 2191. Trong đó, tổng rà soát, xét nghiệm, cách ly các trường hợp có yếu tố liên quan đến chuỗi cung ứng hàng hóa từ Bình Điền, Thủ Đức và Sơn Kỳ (TP. Hồ Chí Minh). Việc rà soát không chỉ dựa vào khai báo tự giác, mà phải thông qua nhiều kênh, như: Tổ Covid cộng đồng, sự phát hiện của nhân dân và sự quản lý của chính quyền cấp xã…
Ý kiến bạn đọc