Đồng Phú bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc các DTTS
Thứ năm - 16/01/2020 03:466830
TTVH - Với 17 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20,55%, tương đương 19.589/95.324 người. Đồng Phú là nơi hội tụ, đan xen nhiều nét văn hóa độc đáo từ các vùng miền trong cả nước. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, chú trọng, góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, tạo nên một cộng đồng đoàn kết, tiến bộ, tương trợ nhau cùng phát triển.
Già làng Điểu Sết luôn gìn giữ nghề đan gùi để truyền lại cho con cháu
Ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi từ lâu được xem là điển hình trong việc bảo tồn và phát huy các nét văn hóa đặc sắc của người Xê tiêng ở Đồng Phú. Toàn ấp có 350 hộ với 1.476 người, trong đó người Xê tiêng chiếm 80% tổng dân số, hiện nay ấp vẫn còn lưu giữ 2 bộ cồng, chiêng, duy trì một đội cồng chiêng gồm 5 người, đội văn nghệ 12 người, 1 đội đẩy gậy, 1 đội bắn nỏ và hơn 10 gia đình làm nghề dệt thổ cẩm, đan gùi. Để các nét văn hóa không bị mai một, nhiều năm qua, các cấp, các ngành trong huyện thường xuyên trực tiếp đến từng hộ gia đình động viên, tuyên truyền để bà con hiểu và trân quý những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời tập trung xây dựng các lực lượng nòng cốt để truyền dạy cho thế hệ trẻ các làn điệu dân ca, cách đánh cồng chiêng, các nghề truyền thống như đan gùi, dệt thổ cẩm… Vì muốn giữ lại những nét văn hóa đại diện của dân tộc để con cháu đời sau biết về nguồn cội, gốc gác, nên nhiều năm nay già làng Điểu Sết ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi đã trực tiếp hướng dẫn thế hệ trẻ học cách đánh cồng Chiêng, học ý nghĩa của tiếng Cồng, tiếng Chiêng trong các lễ hội. Cụ nói: “Cồng chiêng đối với chúng tôi là bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá, biểu tượng cho sức mạnh vật chất lẫn tinh thần của người S’tiêng. Tôi biết đánh chiêng từ năm lên 10 tuổi. Mong muốn của tôi là truyền lại cho thế hệ sau, dạy cho lớp trẻ, sợ chúng không biết Cồng Chiêng có ý nghĩa như thế nào với dân tộc mình”. Ngoài ra, già làng Điểu Sết còn biết đan gùi và duy trì cho đến bây giờ. Ngày nay, dù có nhiều vật thay thế nhưng chiếc gùi vẫn được đồng bào ưa chuộng vì không chỉ mang lại thuận lợi cho người dùng mà nó còn là biểu tượng văn hóa của người S’tiêng. Từ những đặc trưng đó, già làng muốn nghề đan gùi được duy trì và mọi người chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa này. Trong số đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Phú, người Tày, Nùng chiếm hơn một nửa với khoảng 12.281 người. Những năm gần đây phong trào đàn tính, hát then phát triển khá mạnh, xuất hiện thường xuyên trong các hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng của huyện và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của người Tày, Nùng trên địa bàn. Sau thời gian lao động, bà con lại bồi đắp cho mình món ăn tinh thần với cây đàn tính và những làn điệu then mộc mạc chân chất, tình tứ. Hiện nay, huyện Đồng Phú có 4 CLB đàn tính, hát then hoạt động khá bài bản, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Các CLB này thường đại diện cho huyện, xã đi tham gia biểu diễn tại các hoạt động văn nghệ trong và ngoài huyện. Bà Nội Thị Uyên, chủ nhiệm CLB đàn tính, hát then xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú cho biết: Câu lạc bộ sinh hoạt 3 đến 4 lần mỗi tháng, còn khi nông nhàn hoặc khi chuẩn bị tham gia các hội thi, hội diễn các thành viên tập trung tập luyện liên tục. Mới đầu CLB hoạt động gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên với mong muốn bảo tồn nét văn hóa dân tộc Tày, Nùng nên CLB tích cực tập luyện và tự góp tiền để mua những đạo cụ, trang phục cần thiết phục vụ biểu diễn. Với sự nỗ lực của các thành viên đến nay, câu lạc bộ đã đem lại những tiết mục biểu diễn hay, đặc sắc. Không chỉ sưu tầm, học hát làn điệu Then cổ, câu lạc bộ còn sưu tầm nhiều làn điệu Then với lời mới. Câu lạc bộ thường xuyên giao lưu với nhiều câu lạc bộ khác ở trong và ngoài huyện, tích cực tham gia vào phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, cứ hai năm một lần huyện Đồng Phú lại tổ chức Liên hoan văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động phong phú như: giao lưu văn hoá, văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn công chiêng; tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co... Ngoài ra, trong nhiều chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, Trung tâm văn hóa – thể thao huyện đều đưa một số tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc thiểu số vào biễu diễn như một cách để quảng bá, tuyên truyền đến mọi người cùng chung tay bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống. Đồng thời Trung tâm cũng thường xuyên cử cán bộ xuống tận cơ sở nắm bắt, động viên các câu lạc bộ cũng như tìm kiếm những hạt nhân kế cận để gầy dựng phong trào. Ông Lê Xuân Nghị- Phó giám đốc trung tâm văn hóa – thể thao huyện Đồng Phú cho biết: Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều nét văn hóa đặc sắc được lưu truyền và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, củng cố quốc phòng an ninh và thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn.