TTVH - Nhắc đến gia đình ông Điểu Phưr (1951), dân tộc Mơnông, ngụ thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập ai cũng biết, bởi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Đặc biệt, vợ chồng ông có 5 người con (3 trai, 2 gái) đều chăm ngoan, học giỏi, đến nay đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp và có việc làm ổn định.
HỘ ÔNG ĐIỂU PHƯR - GIA ĐÌNH MƠNÔNG TIÊU BIỂU
Lớn lên trong khó khăn, thiếu thốn, lại không được học hành như chúng bạn, ông Điểu Phưr hiểu rõ giá trị của việc học. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, gia đình ông đã có đươc 5 ha cao su, điều được gia đình mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Với nguồn thu nhập ổn định, ngoài đi đầu trong các khoản đóng góp ở địa phương, gia đình đã tạo điều kiện cho các con ăn học. Con đầu là anh Điểu Thuận, tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, nay là Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập; con thứ hai là anh Điểu Tuy, tốt nghiệp đại học Huế, nay là Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bù Gia Mập; con thứ ba là anh Điểu Chót, tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp, nay là Phó chủ tịch UBMTTQVN xã Bù Gia Mập; con thứ tư là chị Điểu Thị Nhị, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Bình Phước, hiện là giáo viên Trường mẫu giáo Hoa Hồng, xã Bù Gia Mập; con út là chị Điểu Thị Hiệp, tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân TP. Hồ Chí Minh, đang công tác tại Công an huyện Bù Gia Mập. Gia đình ông còn lưu giữ nhiều báu vật truyền thống của đồng bào Mơnông với 30 cái tố, ché, xà lung do ông bà để lại. Các sản phẩm này dùng để ủ men rượu, đựng rượu cần, cất giữ hạt giống và sản phẩm dự trữ, đựng nước dùng trong sinh hoạt... Ngoài ra, đó còn là tài sản, của hồi môn của gia đình và là vật trả của khi cưới vợ cho con... Với người đồng bào, gia đình nào càng có nhiều tố, ché, xà lung thì càng chứng tỏ sự giàu có và uy thế trong khu dân cư. Với những đóng góp với địa phương và thành tích đã đạt được, hộ ông nhiều năm liền được công nhận gia đình hiếu học, văn hóa tiêu biểu được tỉnh, huyện tuyên dương, khen thưởng.