Giá trị văn hóa S’tiêng qua các vật dụng trong đời sống sản xuất.
Không rộn ràng như tiếng cồng chiêng, đồng la hay rực rỡ của những chiếc váy, áo thổ cẩm. Bình dị, đơn sơ nhưng chiếc gùi lại gắn với đồng bào S’tiêng mọi lúc, mọi nơi. Gùi không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật mà còn là biểu tượng văn hóa. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, gùi được trang trí nhiều hoa văn, trở thành “tác phẩm mỹ thuật”, là niềm tự hào của người S’tiêng ở Bình Phước.
Bất kì nơi nào ở Bình Phước có người S’tiêng sinh sống chúng ta thường bắt gặp hình ảnh các cụ già, phụ nữ, đàn ông và trẻ nhỏ đeo những chiếc gùi lên nương, đi chợ, ra suối lấy nước, đi thăm hỏi người thân, khi đi rẫy, vào rừng. Chiếc gùi lặng lẽ theo năm tháng gắn bó cuộc sống của đồng bào S’tiêng. Nếu con dao côi, xà gạc, nỏ thể hiện sự dũng mãnh của người đàn ông và là vật dụng không thể thiếu khi vào rừng, lên rẫy thì chiếc gùi lại gắn liền với cuộc đời, tính siêng năng, trách nhiệm với gia đình của phụ nữ S’tiêng.
Không phải là vật phẩm trong lễ cưới, hỏi nhưng chiếc gùi lại là biểu tượng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước và là món quà ý nghĩa cho con gái khi lấy chồng. Họ mang theo những chiếc gùi thường dùng hằng ngày hoặc người cha sẽ đan cái mới để con gái có dụng cụ lao động, vun vén gia đình. Đây là vật kỷ niệm, là lời nhắc nhở sâu xa rằng, cô dâu mới phải có ý thức xây dựng gia đình, chịu thương, chịu khó. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào S’tiêng được hình thành từ những điều đơn sơ, bình dị nhất.
Già Làng Điểu Đố (90 tuổi) ở đoàn nghệ dân gian văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Bù Đăng cho biết: “Nếu chiếc gùi thể hiện tính siêng năng, chăm chỉ thì những tấm vải thổ cẩm lại thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận của người phụ nữ. Đối với người S’tiêng, khi con gái trưởng thành mà biết dệt thổ cẩm thì được dân làng tôn trọng, đánh giá cao và đó cũng là tiêu chí để các chàng trai chọn vợ. Đến tuổi lấy chồng, các thiếu nữ sẽ tự tay dệt váy, áo thật đẹp để mặc trong ngày cưới – ngày trọng đại của cuộc đời”.
Tại Liên hoan, người S’tiêng còn mang đến các dụng cụ trong sản xuất, thể hiện được sự mạnh mẽ, cường tráng, là trụ cột của người đàn ông S’tiêng trong gia đình như: những chiếc xà gạc, xà bất, một số vật dụng sử dụng thường ngày như: bầu đựng nước, giỏ xúc cá…. Tất cả đều được tái hiện một cách gần gũi, chân thực nhất.
Giá trị văn hóa của người S’tiêng qua các món ăn, thức uống
Ngọt - đắng là hai hương vị đặc trưng của rượu cần. Nếu xem cồng chiêng là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên, thì rượu cần là “phương tiện” để người S’tiêng gần nhau, hòa nhập, trao đổi, cởi mở với nhau. Rượu cần S'tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có tính dấu mốc của đời người... Ứng với quan niệm về cuộc sống bao giờ cũng tồn tại cả những điều cay đắng và ngọt ngào nên đồng bào S'tiêng cũng chế biến ra hai loại rượu: Rượu cần ngọt và rượu cần đắng. Để có được những ché rượu cần ngon, người S'tiêng phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm men, ủ bỗng, chế rượu.
Ngoài rượu cần, thì rau nhíp và cơm lam cũng không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người đồng bào S’tiêng. Tại Liên hoan, khách tham quan được thưởng thức những món ăn đặc trưng này, đây chính là dịp để người S’tiêng giới thiệu những đặc sản mà họ có để góp phần vào sự kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống.
Giá trị văn hóa của người S’tiêng trong đời sống tinh thần.
Bộ cồng chiêng là được người S’tiêng gìn giữ, quí trọng như báu vật, bởi vậy bản sắc văn hóa truyền thống cồng chiêng được người S’tiêng Bình Phước lưu giữ và phát huy. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, cưới, hỏi, âm thanh cồng chiêng vang lên rộn rã như đưa con người hòa mình với đất trời. Người S’tiêng quan niệm, giá trị của văn hóa cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà còn mang đậm ý nghĩa tâm linh. Mỗi nhịp điệu vang lên lại giúp đồng bào giao tiếp với thiên nhiên, thần linh, tổ tiên và cả chính mình.
Đối với người S’tiêng, cồng chiêng là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống, văn hóa của dân tộc. Tiếng cồng chiêng như mạch nước ngầm chảy xuyên suốt trong đời sống mỗi con người. Với ý nghĩa quan trọng đó, tại lễ hội, người S’tiêng Bình Phước đã thể hiện được giá trị của bộ công chiêng mang bản sắc đặc trưng của họ. Riêng người S’tiêng, nghệ thuật đánh cồng chiêng đã khó nhưng việc chỉnh chiêng còn khó hơn, đòi hỏi phải am hiểu về cồng chiêng. Bên cạnh đó, phải sử dụng được tất cả chiêng trong bộ cồng chiêng, từ đó mới cảm nhận được âm, thẩm thấu âm chính xác.
Ngoài bộ cồng chiêng, tại không gian triển lãm văn hóa còn trưng bày các nhạc cụ như: đàn tre, tù và,...đã hiện hữu từ rất lâu đời trong cuộc sống của người đồng bào S’tiêng, đây cũng chính là những “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong những lần đi rẫy, lên nương, và trong cả những phiên chợ truyền thống của người S’tiêng. Là dịp để những đôi trai gái trao nhau lời ca tiếng hát, nên duyên vợ chồng.
Lưu giữ, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống
Đi qua những khó khăn, ngày nay người dân tộc S’tiêng ở Bình Phước đang ngày một phát triển để hòa nhập với xu thế của xã hội. Không chỉ cải thiện về đời sống kinh tế, người S’tiêng còn tìm mọi cách để kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Trong Liên hoan Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số Bình Phước lần thứ VI, năm 2019 lần này lại càng khẳng định được những cố gắng của người đồng bào S’tiêng trong việc giữ gìn nét văn hóa dân tộc. Những bạn nam nữ trẻ tuổi người S’tiêng với trang phục truyền thống, cất cao lời ca tiếng hát, điệu nhảy quen thuộc, cùng hòa với du khách để quảng bá rộng rãi những nét đặc trưng, và hơn nữa muốn tái hiện cuộc sống thường nhật của người đồng bào S’tiêng. Những già làng, với thân hình rắn chắc tấu những điệu cồng chiêng… Tất cả hòa quyện với nhau, tạo nên một khung cảnh vừa gần gũi, bình dị vừa tạo nên một bản sắc văn hóa riêng.
Những hoạt động tại Liên hoan Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước lần thứ VI, năm 2019 một lần nữa khẳng định được những cố gắng của người đồng bào S’tiêng ở Bình Phước và những người đã và đang tìm những hướng đi, biện pháp để góp phần vào việc kế thừa, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đây là những việc làm thiết thực nhất của người S’tiêng Bình Phước trong việc phát huy các giá trị truyền thống trong thời kỳ đổi mới – hội nhập.
Một số hình ảnh tiêu biểu của dân tộc S'tiêng tại Liên hoan:
Bộ Cồng Chiêng không thể thieus trong đời sồng tinh thần của người S'tiêng.
Cây Nêu - là biểu tượng dặc trưng của đồng bào S'tiêng
Những vật dụng thường ngày của người S'tiêng được trưng bày tại Liên hoan
Dân ca S'tiêng luôn được các nghệ nhân gìn giữ và phát huy.