Bà Tân là giáo viên về hưu đã 10 năm. Trước khi nghỉ hưu, với niềm yêu thích phong trào văn nghệ, bà Tân đã tìm hiểu và tập hát dân ca quan họ, biểu diễn trong các hoạt động văn nghệ của ngành. Bà Tân chia sẻ: Hát quan họ không dễ. Tôi đã mất gần 10 năm để tập hát và hát tốt khoảng 10 bài dân ca quan họ quen thuộc. Trong các chương trình văn nghệ của hội người cao tuổi, câu lạc bộ hưu trí cấp phường và thành phố, tôi đều chọn thể loại này để thể hiện. Điều làm tôi thấy vui và được động viên là các thành viên trong đội văn nghệ luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ, múa minh họa cho các tiết mục của tôi.
Bà Phùng Thị Kim Tân giao lưu văn nghệ với tiết mục dân ca quan họ
Không chỉ hát, bà Tân còn cùng với thành viên đội văn nghệ khu phố 2 tập luyện các bài múa dân ca quan họ để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ. Đội văn nghệ tham gia các hội thi cấp phường và thành phố đều có giải mang về, trong đó tất cả tiết mục hát múa đoạt giải đều là dân ca quan họ. Tiền giải thưởng cả đội lại để dành mua sắm quần áo, đạo cụ biểu diễn. Không chỉ trau chuốt từng câu hát dân ca, bà còn kỳ công chuẩn bị trang phục biểu diễn cho phù hợp. Trong một lần về quê ở Vĩnh Phúc, bà đã cất công đến Bắc Ninh để may trang phục biểu diễn dân ca quan họ. Về Đồng Xoài, bà tìm đến tiệm may “có tiếng” để nhờ may theo mẫu bà mang từ Bắc Ninh về cho tất cả thành viên trong đội văn nghệ. Ngoài ra, bà cũng không quên đặt mua cho mỗi thành viên 1 chiếc nón quai thao mang từ Bắc Ninh vào Đồng Xoài.
Say mê làn điệu dân ca, có những tiết mục bà lại nhiều lần rồi tìm đến những người am hiểu về dân ca quan họ nhờ góp ý, chỉnh sửa để có những tiết mục tốt nhất. Hiện ngoài tập thêm bài mới ở thể loại dân ca quan họ Bắc Ninh, bà còn đang thử sức với thể loại dân ca chèo gắn liền với quê hương Vĩnh Phúc nơi bà sinh ra và lớn lên. Cho dù ở thể loại dân ca vùng miền nào thì bà luôn dành tình cảm đặc biệt và mong muốn được hát, được giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ý kiến bạn đọc